Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Xử lý vy phạm hành chính đối với người chưa thành niên

 

Theo quy định tại Điều 21 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì “ Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi”, theo khoa học thì ở độ tuổi này con người chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên. Chính vì vậy trong Luật Dân sự, Luật Hình sự cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính đều dành ra các chương riêng để quy định việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên. Phạm vi bài viết này chỉ nêu vấn đề việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên trong xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính như sau: Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì  vậy, trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính. (Điều 134 Luật XLVPHC).

->> Xem thêm: Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012  thì “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”

Như vậy, độ tuổi bị xử phạt theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính là với người từ đủ 14 tuổi trở lên. Khi xử lý đối với người chưa thành niên thì người thực thi công vụ phải xác định tuổi cho chính xác để áp dụng pháp luật cho phù hợp. Từ quy định trên có thể hiểu pháp luật chia ra làm 2 độ tuổi để áp dụng chế tài xử lý như sau:

- Độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Nếu người chưa thành niên trong độ tuổi này khi vi phạm hành chính do lỗi cố ý thì sẽ bị xử lý như sau:

+ Không áp dụng hình thức phạt tiền, chỉ áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo và/hoặc tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính;

+ Có thể áp dụng biện pháp nhắc nhở thay thế cho hình thức xử phạt cảnh cáo khi họ tự nguyện khai báo, thừa nhận và thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

- Độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính, nhưng quy định cụ thể như sau:

+ Nếu hành vi vi phạm đó quy định bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

+ Có thể áp dụng biện pháp nhắc nhở khi hành vi vi phạm hành chính quy định bị phạt cảnh cáo và người chưa thành niên tự nguyện khai báo, thừa nhận về hành vi vi phạm, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

-  Có thể áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, với điều kiện: Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.

->>xem thêm:  Quan hệ tình dục với trẻ em dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định thì người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào các điều kiện quy định trên để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở và quản lý tại gia đình. Riêng biện pháp nhắc nhở thì việc nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ và không phải lập thành biên bản.

Ngoài quy định về xử phạt hành chính, người chưa thành niên còn bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính ( giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng) trong các trường hợp sau đây:

- Áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên khi có đủ các điều kiện sau

+ Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.

+  Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.

+  Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên khi có đủ các điều kiện sau

 + Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự.

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Như vậy, người chưa thành niên khi vi phạm pháp luật chỉ  bị áp dụng 01 trong 02 biện pháp xử lý hành chính: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng khi có đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Người chưa thành niên không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ngoài các quy định như trên, khi thi hành pháp luật người có thẩm quyền cũng phải lưu ý một số các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên như sau: Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn;  Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp; Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ; Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính ( biện pháp nhắc nhờ và quản lý tại gia đình) không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề tại: linkhay, linkedin, blogger, site google hoặc có thể tham khảo trực tiếp qua website: luatdaiviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hotline: 0982.882.921

TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ

Tin mới nhất